Chủ Động Phòng Bệnh Tay Chân Miệng Khi Trời Nồm Ẩm

Chân tay miệng là một trong những căn bệnh thường gặp nhất mỗi khi mùa nồm đến và đối tượng hay mắc phải là trẻ em. Vào mùa nồm, các loại vi khuẩn, virus gây bệnh tay chân miệng thường gia tăng, lan truyền nhanh chóng hơn bình thường và có thể bùng phát thành dịch nếu không nhận biết sớm và kiểm soát tốt.

Nguyên nhân làm xuất hiện bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus coxsackievirus A16 và enterovirus 71 gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt, mọc mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng. Đối tượng dễ bị lây nhiễm bệnh nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là ở lứa tuổi dưới 5. Thời gian bùng phát bệnh tay chân miệng mạnh nhất sẽ rơi vào 2 đợt là mùa nồm (giai đoạn sau tết từ tháng 3-4) và mùa thu (tháng 9-12).

BSCKII Trần Thị Kim Anh – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa Khoa Hà Đông cho biết, trong giai đoạn cao điểm, mỗi ngày khoa Bệnh nhiệt đới phải tiếp nhận từ 10-15 trẻ mắc tay chân miệng khám ngoại trú và khoảng 5-7 ca bệnh đang điều trị nội trú, trong đó có một số ít trường hợp đã diễn biến nặng.

Không chỉ vậy, theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ khoảng tháng 1 đến tháng 10/2022 thành phố đã ghi nhận 14.738 bệnh nhân mắc tay chân miệng. Trong đó, từ ngày 19 – 25/9/2022, số ca mắc mới được ghi nhận là 488, tăng 16,7% so với trung bình 4 tuần trước. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), cơ sở này cũng tiếp nhận 688 ca điều trị ngoại trú và 39 ca nội trú liên quan đến bệnh tay chân miệng chỉ trong 2 tuần từ 15 – 28/09/2022.

Theo thông tin từ BSCKI Trần Ngọc Lưu, Khoa Hồi sức bệnh nhiễm và COVID-19 của Bệnh viện Nhi Đồng 1 – TP.HCM, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vào đầu tháng 8/2023 đã có hơn 150 ca, trong đó đã có hơn 130 ca mắc tay chân miệng. Cùng tình trạng này, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – Trưởng khoa Hồi sức nhiễm cũng cho biết, Bệnh viện đang điều trị, theo dõi khoảng 140 trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Phần lớn trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện đặc trưng như nổi bóng nước ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên, bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo hơn, thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4.

Trẻ em thường có thói quen ngậm đồ và chơi chung đồ chơi với nhau nên đây là đối tượng bị mắc tay chân miệng nhiều nhất, đặc biệt là ở môi trường nhà trẻ. Đây là môi trường dễ lây lan bệnh tay chân miệng nhất vì trẻ em thường xuyên tiếp xúc gần với nhau và cũng chưa hề có kiến thức trong việc phòng ngừa bệnh tật.

Vào giai đoạn mưa nồm, độ ẩm không khí thường tăng cao đến mức bão hòa, đây là thời điểm thích hợp để các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển nhanh chóng hơn và bệnh tay chân miệng cũng không phải ngoại lệ. Chính vì vậy, các gia đình cần chú ý nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe của con mình trong giai đoạn này để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm bệnh.

4 giai đoạn phát triển khi trẻ bị tay chân miệng

Dưới đây sẽ là một số triệu chứng và dấu hiệu thường gặp khi trẻ mắc tay chân miệng qua từng giai đoạn mà bạn có thể tham khảo:

Giai đoạn 1: Ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh thường sẽ diễn ra từ 3-7 ngày sau khi trẻ bị lây nhiễm virus từ người mắc bệnh. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh tay chân miệng có thể lây gián tiếp qua bàn tay đã tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus, từ người nuôi giữ trẻ không giữ vệ sinh đúng chuẩn, môi trường mất vệ sinh, đồ chơi bị nhiễm khuẩn, thực phẩm chưa được nấu chín hoàn toàn,…

Giai đoạn 2: Khởi phát

Ở giai đoạn này, trẻ thường sốt liên tiếp 2 ngày và kèm theo các triệu chứng khác như đau họng. Trong giai đoạn ủ bệnh, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Trẻ có thể bị sốt nhẹ (37,5 – 38 độ C) hoặc có thể sốt cao (38-39 độ C) kèm theo đau họng
  • Đau rát ở răng và miệng
  • Chảy nước bọt, biếng ăn.
  • Tiêu chảy

Tuy nhiên, nếu thấy trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C và kéo dài từ 3 ngày trở lên, đặc biệt là đối với các bé nhỏ hơn 3 tuổi, thì đây có thể là dấu hiệu của nguy cơ biến chứng viêm não.

Giai đoạn 3: Toàn phát 

Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3 – 10 ngày tùy theo mức độ nặng và người bệnh sẽ đối mặt với các triệu chứng điển hình ở tay – chân – miệng, bao gồm:

– Loét miệng: Với dấu hiệu này, các vết loét có đường kính nhỏ từ 2 – 3 mm gây tổn thương niêm mạc. Vết loét thường diễn tiến nhanh gây đau khiến trẻ biếng ăn cũng như tăng tiết nước bọt.

– Phát ban dạng phỏng nước: Ban đầu, dấu hiệu phát ban chỉ là những vết hồng ban có kích thước nhỏ khoảng 1-2 mm sau đó mới trở thành các bóng nước hình bầu dục có đường kính khoảng 2-10mm. Đây là những vết bỏng nước thường xuất hiện ở lòng bàn tay chàn chân hoặc ở vùng mông (đối với trẻ nhũ nhi). Các hạt bóng nước có thể mọc lồi hoặc mọc ẩn dưới da, ấn vào thường không đau và có dịch trong.

Tuy nhiên, nếu dịch chuyển sang màu vẩn đục thì đây là dấu hiệu của bội nhiễm. Phát ban dạng phỏng nước sẽ tồn tại dưới 7 ngày, sau đó có nguy cơ để lại vết sẹo thâm hoặc khôi phục hoàn toàn nếu được điều trị đúng cách.

– Một số dấu hiệu khác: Ngoài loét miệng và phát ban bỏng nước ra thì trẻ còn xuất hiện một số dấu hiệu khác như: sốt nhẹ và nôn. Nếu trẻ sốt cao, nôn nhiều thì có thể dẫn tới các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 phát bệnh.

Giai đoạn 4: Lui bệnh

Sau thời kỳ toàn phát nếu trẻ hồi phục hoàn toàn mà không gặp bất cứ biến chứng nào thì sẽ bước vào giai đoạn lui bệnh. Đây là giai đoạn thời sẽ diễn ra từ 3 – 5 ngày sau phát bệnh hoặc 7 ngày tính từ lúc khởi bệnh.

Thực tế không phải bệnh nhân nào mắc tay chân miệng cũng trải qua những diễn tiến giống nhau. Bốn giai đoạn phát triển bệnh điển hình như trên thuộc thể cấp tính. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng còn có hai thể lâm sàng khác gồm:

  • Thể tối cấp: Bệnh tiến triển rất nhanh và xuất hiện các biến chứng nặng như suy tuần hoàn – hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 24 – 48 giờ;
  • Thể không điển hình: Dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có loét miệng, hay một triệu chứng thần kinh / tim mạch / hô hấp mà không xuất hiện cả phát ban lẫn loét miệng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *